Yêu thích môn học lịch sử và mong muốn được truyền tải những kiến thức liên quan đến bộ môn này, nhất là các bài học về tình yêu nước, những chiến công hiển hách của ông cha ta đến mọi người, nhóm học sinh Trường Tiểu học Bãi Cháy (TP Hạ Long) đã sáng tạo mô hình động mô phỏng chiến thắng sông Bạch Đằng, giúp ích trong học tập, giảng dạy.
Nhóm tác giả với mô hình động mô phỏng chiến thắng sông Bạch Đằng, giúp ích cho học tập, giảng dạy môn lịch sử.
Nhóm học sinh đó là Đỗ Lê Phương Anh, Vũ Bùi Gia Huy, Vũ Bùi Gia Linh, Dương Trung Hưng, Vũ Tùng Dương, thành viên CLB Yêu thích lịch sử của Trường Tiểu học Bãi Cháy (TP Hạ Long).
Đỗ Lê Phương Anh, Trưởng nhóm tác giả, chia sẻ: Trong một lần chúng em được đi tham quan bãi cọc Bạch Đằng tại xã Yên Giang (TX Quảng Yên), chúng em không khỏi xúc động và tự hào khi chứng kiến những chiến tích hào hùng của ông cha ta. Đó là những dấu vết của bãi cọc Bạch Đằng xưa, nơi diễn ra 3 trận thủy chiến do Đức vương Ngô Quyền, Vua Lê Đại Hành và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy đánh tan quân xâm lược phương Bắc, bảo vệ đất nước. Từ đó, chúng em đã có ý tưởng làm mô hình động chiến thắng sông Bạch Đằng, nhằm tái hiện lại trận chiến năm xưa. Mô hình giúp các bạn học sinh yêu thích môn lịch sử hơn, luôn nhớ về những chiến công của các thế hệ đi trước, đặc biệt là hiểu được nghệ thuật quân sự của ông cha ta, dựa vào thủy triều lên xuống để quân giặc sa vào bãi cọc. Qua đó sẽ giúp cho bài học thú vị, sinh động, hấp dẫn hơn.
Mô hình được nhóm học sinh thực hiện từ những vật liệu hết sức đơn giản như: Thùng xốp, máy bơm bể cá, các miếng xốp giả làm núi đá, van nước, gỗ làm cọc, keo, màu vẽ, phụ kiện… Áp dụng kiến thức có được qua các buổi học STEM và sự hướng dẫn của giáo viên, những bạn nhỏ của CLB Yêu thích lịch sử Trường Tiểu học Bãi Cháy đã hoàn thiện mô hình trong thời gian 1 tuần.
Mô hình động mô phỏng chiến thắng sông Bạch Đằng.
Mô hình có cơ chế hoạt động đơn giản, dễ sử dụng, để tái hiện thủy triều dâng, người vận hành đổ nước vào khoang máy bơm, bật công tắc để máy bơm nước lên mô hình bãi cọc cho đến khi nước dâng ngập bãi cọc thì tắt công tắc. Còn đối với thủy triều xuống, người dùng chỉ cần vặn van thoát nước để nước rút dần qua lỗ xả, khi đó, bãi cọc sẽ nhô ra làm cho các mô hình thuyền giặc bị đâm thủng hoặc mắc kẹt.
Mô hình của nhóm học sinh Trường Tiểu học Bãi Cháy đã được gửi tham gia cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Quảng Ninh lần thứ VII, năm học 2021-2022 và được Ban Tổ chức trao giải nhì chung cuộc. Đánh giá trong quá trình chấm thi, TS Hoàng Minh Thuận, thành viên Ban Giám khảo, cho biết: Mô hình có thiết kế đơn giản, nhỏ gọn, thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả cao trong học tập. Sản phẩm đã phát huy niềm đam mê sáng tạo của học sinh, đưa kiến thức khoa học làm thành các mô hình phục vụ học tập, giảng dạy, giúp học sinh có được những trải nghiệm thực tế khi học mô hình động.
Đỗ Lê Phương Anh cho biết thêm: Hiện nay, môn học lịch sử dường như ít nhận được sự hào hứng của học sinh, tuy nhiên, đây lại là bộ môn có ý nghĩa quan trọng, giúp thế hệ trẻ chúng em hiểu hơn những giá trị lịch sử của dân tộc, khơi dậy tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Thông qua mô hình này, ngoài việc mong muốn mang đến một tiết học sinh động, hấp dẫn hơn, chúng em còn muốn truyền đi thông điệp, mỗi học sinh cần phải có trách nhiệm tìm hiểu về cội nguồn, lịch sử dân tộc, như câu thơ của Bác:
“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.